Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đến phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La
          Giống như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.

Đánh giá tác động chi tiết

          Trong báo cáo số 169/BC-UBND của UBND tỉnh Sơn La ngày 8/5/2020 về "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid 19", thu ngân sách của tỉnh trong năm 2020 dự kiến giảm (sản lượng thủy điện, thu từ đất gặp khó khăn), dự kiến hụt thu trong năm 2020 là 472 tỷ đồng.       

          Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa hoạt động nên làm giảm số thuế phát sinh phải nộp là 100 tỷ đồng.

          Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan tại các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU… là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và tỉnh Sơn La.

          Việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án đã đăng ký hoặc các dự án mới trên địa bàn tỉnh dự báo tiếp tục gặp khó khăn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch có diễn biến phức tạp. Việc giải ngân thanh toán vốn đầu tư công tiếp tục có khó khăn nhất định.

 

Quảng trường Tây Bắc vắng lặng khi có dịch bệnh

          Về ảnh hưởng đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

          Trong quý I/2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 20% so với cùng kỳ (cùng kỳ thành lập mới 80 doanh nghiệp); số doanh nghiệp giải thể 20 doanh nghiệp, tăng 75% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 05 doanh nghiệp giải thể); số doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động 25 doanh nghiệp, tăng 60% so với cùng kỳ, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

          Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục, vận tải, đầu tư xây dựng… Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến lao động và việc làm là 47 đơn vị với tổng số 2.561 lao động bị ảnh hưởng (trong đó: số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 68 người, số lao động ngừng việc 1.630 người, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ thất nghiệp 587 người, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp 2.276 người).

          Doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng được xem xét gia hạn nộp thuế là 2.164/2.342 doanh nghiệp, bằng 92,4%. Trong số 2.164 doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, chỉ có khoảng 500 đơn vị kê khai có phát sinh thu, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với tổng số thuế được gia hạn 150 tỷ đồng, thời gian được gia hạn 05 tháng.

 Biểu đồ thể hiện đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp tại Sơn La

          Số doanh nghiệp đề nghị tạm dừng đóng về quỹ Hưu trí, tử tuất (HTTT) của Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La là 16 doanh nghiệp với 428 lao động với số tiền là 1,436 tỷ đồng.

          Về ảnh hưởng đối với lĩnh vực tín dụng

          Số khách hàng bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 3.381 khách hàng, với tổng dư nợ 4.305 tỷ đồng/38.366 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư của các tổ chức tín dụng. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho 3.267 khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng 1.626 tỷ đồng, bằng các chính sách hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới tái sản xuất, kinh doanh.

          Nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

          Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19 để kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung như sau:

          Một là: Bổ sung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, an toàn, bền vững trong điều kiện ứng phó với dịch Covid 19.

          Hai là: Thực hiện hiệu quả các chính sách, các gói hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách.

          Ba là: Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, cắt giảm một số khoản chi không thiết yếu, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đảm bảo phương án kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

          Bốn là: Tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng các dự án thu hút đầu tư và dự án đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đạt 60%. Tăng thu từ đất đảm bảo nguồn xử lý các khoản nợ xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư.

          Năm là: Thực hiện hiệu quả các cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, sớm đưa các dự án chế biến sản xuất nông, lâm sản có quy mô lớn, có tính lan tỏa, như: Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao của Tập đoàn TH, nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Đồng Giao – Ninh Bình.

          Sáu là: Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu của tỉnh (OCOP). Huy động các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu, sản phẩm OCOP…; khuyến khích các HTX, cơ sở chế biến chủ động tận dụng, thuê, sử dụng các sân bãi, nhà xưởng, lò sấy của các cơ sở chế biến các loại hàng hóa khác khi chưa đến thời điểm sản xuất để nâng cao công suất sơ chế, chế biến nhằm tăng thời gian bảo quản.

          Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong đối thoại với doanh nghiệp cấp tỉnh và các ngành, huyện, thành phố; duy trì và đổi mới công tác đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các kiến nghị còn kéo dài. Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025./.

 

Tác giả: Lường Ngọc Hùng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

SỞ TƯ PHÁP TỈNH SƠN LA
Địa chỉ:Tầng 4,  tòa 6T1 Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 05/GP-TTĐT
Điện thoại: 0212.3851402 - Fax: 0212.3758008

Người chịu trách nhiệm: Trần Thị Minh Hoà - Giám đốc Sở Tư Pháp
Email: sotuphaptinhsonla@gmail.com

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang