Hỏi đáp về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật số 2

1. Nội dung các tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định 05 tiêu chí thành phần cấu thành tiêu chí tiếp cận pháp luật. Đây là công cụ để đánh giá kết quả, là cơ sở để xác định trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực thi công vụ.

Kết quả đánh giá là cơ sở để xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật

Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu, có tổng số điểm tối đa 15 điểm, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cấp xã và kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu, có tổng số điểm tối đa 30 điểm, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về công khai thủ tục hành chính; bảo đảm nguồn lực (bố trí địa điểm, công chức) để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; kết quả giải quyết các thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

- Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật

Tiêu chí này gồm 09 chỉ tiêu, có tổng số điểm tối đa 25 điểm, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân; cung cấp thông tin pháp luật; lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; quán triệt, phổ biến văn bản, chính sách mới cho cán bộ, công chức; triển khai

các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân, đối tượng đặc thù; sử dụng các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật; đối thoại chính sách, pháp luật; bảo đảm kinh phí cho phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở

Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu, có tổng số điểm tối đa 10 điểm, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; bảo đảm kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải.

- Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu, có tổng số điểm tối đa 20 điểm, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về công khai, minh bạch các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; kết quả thực hiện các nội dung cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp hoặc được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định; Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát.

 

2. Điều kiện xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

Cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Không có tiêu chí nào dưới 50% tổng số điểm tối đa.

- Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III.

- Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã phải đạt từ 80% trở lên.

- Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra./.

 

Tác giả: Lò Phương - Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

SỞ TƯ PHÁP TỈNH SƠN LA
Địa chỉ:Tầng 4,  tòa 6T1 Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 05/GP-TTĐT
Điện thoại: 0212.3851402 - Fax: 0212.3758008

Người chịu trách nhiệm: Trần Thị Minh Hoà - Giám đốc Sở Tư Pháp
Email: sotuphaptinhsonla@gmail.com

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang