Hỏi đáp về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật

1. Mục tiêu của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là gì?

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hướng tới các mục tiêu sau:

- Nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã.

- Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật; tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội bằng Hiến pháp và Pháp luật.

- Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân                            

- Góp phần thúc đẩy, thực hiện toàn diện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Hiện nay, tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020(tiêu chí thành phần 18.5 trong Tiêu chí 18. Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật). Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; là tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”. Để thực hiện tiêu chí này trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đề ra một nhiệm vụ “đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân”.

 

     2. Việc triển khai thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đem lại nhưng tác động gì?

Việc triển khai thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ đem lại những tác động tích cực, cụ thể như sau:

- Đối với quản lý nhà nước: thực hiện nhiệm vụ này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

- Đối với xã hội: thực hiện nhiệm vụ này nhằm bảo đảm, thực hiện tốt hơn các quyền con người, quyền công dân; duy trì xã hội phát triển ổn định, bền vững; phòng ngừa, hạn chế xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, không để xung đột nảy sinh tạo thành xung đột xã hội…

3. Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đảm bảo các nguyên tắc nào?

Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

- Là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

- Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch trong đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về thực hiện thủ tục hành chính; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Gắn kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; và đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã.

 

    4. Việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm những nội dung gì?

Theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Điều 4 Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định nội dung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm:

- Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân;

-Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Rà soát, đánh giá việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật; công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở;

- Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực làm công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Lồng ghép xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong chương trình, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xóa đói, giảm nghèo;

- Sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo, theo dõi kết quả, kiểm tra, khen thưởng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.


 

Tác giả: Lò Phương - Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

SỞ TƯ PHÁP TỈNH SƠN LA
Địa chỉ:Tầng 4,  tòa 6T1 Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 05/GP-TTĐT
Điện thoại: 0212.3851402 - Fax: 0212.3758008

Người chịu trách nhiệm: Trần Thị Minh Hoà - Giám đốc Sở Tư Pháp
Email: sotuphaptinhsonla@gmail.com

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang