MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (09/11)

          1. Lịch sử Ngày Pháp luật

          - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà trên đất nước Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ giành độc lập hoàn toàn, bảo toàn lãnh thổ và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ, ghi nhận những thành tích vẻ vang của Cách mạng, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ" và ngày 9-11-1946 đã thực sự đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi khẳng định tư cách chủ nhân của mỗi người dân Việt Nam khi Quốc hội thay mặt toàn thể nhân dân thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây thực sự là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới, là sự kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, thấm đẫm tinh thần về một chế độ hiến định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền.

          - Được xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân, Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mà ở đó “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; “mỗi công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật” ... Những giá trị to lớn của Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa, phát triển, được thể hiện trong các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đặc biệt gần đây nhất là bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2013; đồng thời tạo cơ sở hiến định để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặt nền tảng chính trị - pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta, đất nước ta, phù hợp với nhiệm vụ của Cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử.

          - Bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

          2. Mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật

          - Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, tạo thuận lợi cho sự phát triển KT-XH. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác PBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành nhu cầu thiết yếu, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.

          - Ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước CHXNCN Việt Nam, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật; giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời tăng cường nhận thức của người dân về vai trò pháp luật trong đời sống, tăng cường hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động phát triển KT-XH và sinh hoạt hằng ngày của người dân.

          - Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức và nhân dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn.

          - Ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của nước ta. Bản Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

          - Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL - một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị với mục tiêu cùng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội.

          - Ngày pháp luật còn là cơ hội để thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết, gương mẫu, tiên phong nghiêm túc chấp hành pháp luật, tích cực học tập, tìm hiểu pháp luật, không ngừng nâng cao ý thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật, tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ tiền nhân để cùng góp sức xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          - Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa trong việc xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý truyền thống phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại và những chuẩn mực quốc tế trong cuộc sống xã hội, xây dựng và duy trì bền vững xã hội nhân văn có pháp chế nghiêm minh, có kỷ cương chặt chẽ.

          Để Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, để lại dấu ấn đậm đà được nhân dân ghi nhận, hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ trong ngày 09/11 mà còn trong cả những ngày khác trong năm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tích cực góp phần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các quy định có liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của Nhân dân./.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

SỞ TƯ PHÁP TỈNH SƠN LA
Địa chỉ:Tầng 4,  tòa 6T1 Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 05/GP-TTĐT
Điện thoại: 0212.3851402 - Fax: 0212.3758008

Người chịu trách nhiệm: Trần Thị Minh Hoà - Giám đốc Sở Tư Pháp
Email: sotuphaptinhsonla@gmail.com

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang