Năm 1952, Chính phủ ban hành
Quyết định thành lập khu Tây Bắc gồm 4 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai,
Sở Tư pháp khu cũng được thành lập, gồm 2 bộ phận chính là Toà án khu, các Toà
án tỉnh, một số Toà án huyện và bộ phận làm công tác hành chính Tư pháp. Nhiệm
vụ chủ yếu là xét xử các vụ án gián điệp, biệt kích, bạo loạn hoạt động phỉ.
Năm 1955, Khu Tây Bắc được đổi tên là Khu tự trị Thái
Mèo gồm 18 Châu của Sơn La và Lai Châu, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp tập trung ở
Toà án Khu và Toà án 18 Châu. Trong thời gian này, nhiều vụ án phản Cách mạng
được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh góp phần ổn định an ninh chính trị,
bảo vệ chính quyền Cách mạng. Năm 1959, do yêu cầu của nhiệm vụ Cách mạng, Khu
tự trị Thái Mèo đổi lại tên thành Khu tự trị Tây Bắc và hình thành 03 tỉnh Sơn
La, Lai Châu, Nghĩa Lộ, giai đoạn này công tác hành chính tư pháp do Toà án đảm
nhiệm. Đến năm 1976, để phù hợp với tình hình trong giai đoạn Cách mạng mới,
Quốc hội và Chính phủ đã ra Quyết định giải thể "Khu tự trị Tây Bắc", nhiệm vụ của Khu được giao về cho
các tỉnh trong đó có công tác Tư pháp.
Năm 1978, Ban pháp chế của tỉnh
được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, tham gia xây dựng, rà soát văn
bản pháp quy, tuyên truyền pháp luật. Biên chế của Ban pháp chế chỉ có 02 đồng
chí, một Phó ban Thường trực, một cán bộ nghiệp vụ.
Thực hiện Nghị định số 143/CP
ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 08/TT ngày 06/1/1982 của
Bộ Tư pháp, ngày 17/02/1982 UBND tỉnh Quyết định thành lập Sở Tư pháp tỉnh Sơn
La và hệ thống Tư pháp, Pháp chế trong toàn tỉnh. Sở Tư pháp được thành lập từ
tiền thân là Phòng pháp chế thuộc UBND tỉnh, mở đầu cho quá trình xây dựng,
trưởng thành và phát triển.
Trong những ngày đầu mới thành
lập, Sở Tư pháp gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và biên chế. Sở Tư pháp đã
tiếp nhận các nhiệm vụ của Ban pháp chế tỉnh và một phần tổ chức, nhiệm vụ của
Toà án nhân dân tỉnh. Cơ cấu tổ chức bao gồm Ban Giám đốc và 03 phòng nghiệp vụ
với tổng số 09 biên chế. Đồng thời Ban Tư pháp các huyện, thị xã (Nay là thành phố) và Ban pháp chế ở các
ngành trọng điểm cũng được thành lập. Giám đốc Sở Tư pháp thời kỳ này là đồng
chí Lò Thanh Mai.
Tháng 6/1985, UBND tỉnh ra Quyết
định số 362/QĐ-UB sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Sở. Theo đó, Sở Tư pháp có 3
phòng: Phòng tổ chức - Hành chính, Phòng pháp chế và Phòng tuyên huấn Pháp lý.
Tháng 4/1988, UBND tỉnh ra Quyết
định số 58/QĐ-UB chuyển Sở Tư pháp thành Phòng Tư pháp thuộc UBND tỉnh. Lãnh
đạo Phòng gồm 01 Trưởng phòng, 01 Phó phòng và 4 tổ công tác với 15 biên chế.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, việc tổ chức Phòng Tư pháp tỉnh là không phù
hợp, do đó tháng 12/1990, UBND tỉnh ra Quyết định số 402/QĐ-UB thành lập lại Sở
Tư pháp, bộ phận Tư pháp ở cấp huyện, Tư pháp xã và tổ chức pháp chế của các
sở, ngành. Sở Tư pháp được thành lập lại nhưng không có các phòng chuyên môn;
cán bộ, chuyên viên làm việc trực tiếp với Ban Giám đốc, chỉ thành lập các tổ
để sinh hoạt và quản lý hành chính.
Năm 1993, tổ chức và hoạt động của Sở Tư pháp được đổi
mới, nhất là từ năm 2002 đến nay, thực hiện Chương trình Cải cách Tư pháp theo
tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số
nhiệm vụ công tác Tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày
02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, các cơ
quan Tư pháp ở địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy và
biên chế. Sở Tư pháp có 05 phòng chuyên môn và 05 đơn vị trực thuộc; được quan
tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác
Tư pháp trong tình hình mới phù hợp với tiến trình cải cách Hành chính và cải
cách Tư pháp; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 2009, thực hiện Thông tư Liên tịch số
01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Liên tịch Bộ Nội vụ - Bộ Tư pháp hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND
cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác Tư pháp của UBND cấp
xã; một số văn bản pháp luật có liên quan chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp
được cụ thể hoá và tăng lên. Tổ chức bộ máy Sở Tư pháp tiếp tục được kiện toàn
có các phòng tham mưu, tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ đó là: Văn phòng;
Thanh tra; Phòng Xây dựng và Thi hành văn bản QPPL; Kiểm tra, rà soát văn bản
QPPL; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hành chính tư pháp; Bổ trợ tư pháp; Trung
tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản và 03
phòng Công chứng số 1, 2, 3.
Từ tháng 5/2015, thực hiện Thông tư Liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV
ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, thành phố, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh; một số văn bản pháp
luật có liên quan. Hiện nay, Sở Tư pháp có chức năng, nhiệm vụ tham mưu với
UBND tỉnh quản lý Nhà nước về: Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL;
quản lý công tác thi hành pháp luật đề xử lý vi phạm hành chính; theo dõi thi
hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; phổ biến giáo dục pháp
luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật; hộ tịch; quốc tịch; chứng
thực; nuôi con nuôi; lý lịch Tư pháp; bồi thường Nhà nước; trợ giúp pháp lý;
luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản;
trọng tài thương mại; công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; thực
hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác Tư pháp theo sự uỷ
quyền của UBND tỉnh.
Theo đó, tổ chức bộ máy Sở Tư
pháp tiếp tục được kiện toàn có 02 phòng tham mưu, tổng hợp (Phòng Tổng hợp và Phổ biến, giáo dục pháp luật; Thanh tra); 02 phòng chuyên môn (Phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật; phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp); 02 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở (Trung tâm Trợ
giúp pháp lý; Phòng Công chứng)./.