Bài tuyên truyền: Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7
Trong những năm qua, tình trạng tội phạm mua bán người ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Qua công tác điều tra cơ bản lực lượng công an nước ta đã xác định nhiều tuyến và địa bàn trọng điểm, phức tạp mà tội phạm mua bán người thường lợi dụng hoạt động như: tuyến giao thông Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai và các đường mòn cửa khẩu trên biên giới phía Bắc và phía Tây Nam Lào Campuchia…
Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi và phức tạp. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các tổ chức đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Chúng thường lên mạng internet để làm quen, rồi dụ dỗ các bé gái và chị em ở nông thôn có nhu cầu việc làm theo chúng lên biên giới tìm việc, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn "Mua bán người". Thậm chí, ngay cả người nhà cũng lừa nhau đem bán ra nước ngoài. Nhiều trường hợp bạn bè chơi với nhau hàng ngày, nhưng khi cần tiền để chơi bời chúng sẵn sàng dụ dỗ, đem bán cho kẻ xấu… Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...
Trước những thủ đoạn tội ác nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương lớn để ứng phó. Trước tiên là việc xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này. Cơ quan chức năng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi bổ sung 16 văn bản và xây dựng mới 11 văn bản liên quan; đặc biệt Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-3-2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012. Luật phòng, chống mua bán người đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người.
Băng rôn, khẩu hiệu về phòng, chống mua bán người
Xác định được nguyên nhân gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; thông thoáng trong xuất nhập cảnh; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh; hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc…
Đối với tỉnh Sơn La trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người luôn đươc quan tâm thực hiện, tỉnh Sơn La đã tập trung đấu tranh làm rõ các vụ mua bán người, đặc biệt là các vụ án có tổ chức, xuyên quốc gia; truy bắt các đối tượng phạm tội, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu thông qua quản lý cư trú; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nghi vấn sử dụng lao động trẻ em để phát hiện nạn nhân bị bóc lột sức lao động và giải cứu kịp thời; chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho - nhận con nuôi trái pháp luật... Trong đó Sở Tư pháp tỉnh Sơn La hàng năm đã ban hành Kế hoạch về việc Triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng“Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” nhằm tăng cường tham mưu, hướng dẫn các ngành thành viên và Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.
Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2020. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, và hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán. Tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về công tác phòng, chống mua bán người. Đối với người dân hãy biết tự bảo vệ chính bản thân mình, tránh xa mọi cám dỗ và những cạm bẫy của bọn tội phạm; mỗi gia đình luôn nhắc nhở con em hiểu được phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để phòng ngừa, tránh xảy ra hậu quả không mong muốn./.
* KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN:
-“Tích cực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”!
-“Chung tay phòng, chống nạn mua bán người”!
-“Phòng chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội”!