06/12/2022
Góp ý dự thảo của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế
Theo đề nghị tại Công văn số 4712/BTPVĐCXDPL của Bộ Tư pháp về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo Nghị định, cụ thể như sau:
- Tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định quy định nội dung bổ sung khoản 3 Điều 2 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP: “3. Tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.”, tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ và số lương người làm việc căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, do đó, quy định cứng việc thành lập Tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập như trong dự thảo là chưa đảm bảo phù hợp. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định theo hướng khi đảm bảo về số lượng người làm việc phù hợp với vị trí việc làm để các đơn vị sự nghiệp công lập trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc thành lập Tổ chức pháp chế.

- Tại khoản 10 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 về Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó đưa ra 02 phương án, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu xem xét đối với từng phương án như sau:
+ Đối với Phương án 1, dự thảo quy định: “Căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Phòng Pháp chế hoặc được ghép tổ chức pháp chế với thanh tra để thành lập tổ chức Thanh tra - Pháp chế. Trường hợp cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thành lập tổ chức Thanh tra thì ghép tổ chức pháp chế vào phòng chuyên môn, nghiệp vụ để thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ - Pháp chế, nội dung quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm (không có chức danh chuyên trách hay Tổ chức pháp chế), thực tế hiện nay cán bộ làm công tác pháp chế đang thực hiện kiêm nhiệm, do đó hoạt động của cán bộ làm công tác pháp chế chưa thực sự hiệu quả.
+ Đối với Phương án 2: dự thảo Nghị định quy định thành lập Phòng Pháp chế tại 06 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc thành lập Phòng ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (đối với tỉnh loại 1 như tỉnh Sơn La thì số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng là 06 biên chế) với số lượng biên chế đang được phân bổ cho các địa phương hiện nay sẽ rất khó để thực hiện theo dự thảo. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu xem xét nếu trường hợp thành lập Phòng pháp chế thì phải có quy định cụ thể về biên chế và cơ cấu tổ chức của Phòng để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh Sơn La trân trọng đề nghị Bộ Tư pháp xem xét về thời gian lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định: Ngày 28/11/2022, Bộ Tư pháp ban hành công văn đề nghị các địa phương tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên, ngày 01/12/2022 tỉnh Sơn La mới nhận được văn bản và yêu cầu báo cáo về Bộ Tư pháp trong ngày 03/12/2022, do thời gian gấp nên tỉnh Sơn La chưa tổ chức lấy ý kiến của tất cả các cơ quan là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Do đó, nội dung tham gia ý kiến chưa bao quát được toàn bộ nội dung quy định trong dự thảo Nghị định. Vì vậy, UBND tỉnh Sơn La trân trọng đề nghị Bộ Tư pháp khi tổ chức lấy ý kiến của các địa phương đối với dự thảo các văn bản QPPL tạo điều kiện cho địa phương có đủ thời gian tham gia ý kiến theo quy định tại khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020./.
Chi tiết văn bản tham gia góp ý tại đây.
Tác giả: Đinh Công Hiệp