HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
I. Câu hỏi: Ông Hà Văn C hỏi: “Chú tôi đang thả trâu tại cánh đồng thì trâu của chú tôi làm rách lưới bẫy chim của anh V (sinh năm 1998). Từ đó dẫn đến chú tôi và anh V đã xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Lúc này, V cầm con dao bầu đến đe dọa, khua dao chửi bới, đe dọa chém chú tôi. Do bức xúc vì V chỉ bằng tuổi con cháu mà đánh mình nên chú tôi đã kể lại sự việc với con trai là B. Sau khi nghe sự việc, B bực tức nên đã cầm 01 thanh kiếm tự tạo đi tìm V, mặc dù đã được người dân ở đấy can ngăn nhưng B vẫn chém 01 nhát trúng vào vùng lưng và 02 nhát trúng vào vùng bụng của V, hậu quả khiến V bị chết. Vậy hành vi của B có phạm tội giết người không”?

         II. Nội dung tư vấn: Trước tiên, trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La (Trung tâm) xin được cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi của mình tới Trung tâm. Về câu hỏi của bạn Trung tâm xin được đưa ra quan điểm tư vấn, hướng dẫn như sau:

          1. Căn cứ pháp lý.

        Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội giết người như sau:

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

        2. Về hành vi.

       B có hành vi dùng kiếm chém 01 nhát trúng vào vùng lưng và 02 nhát trúng vào vùng bụng của V là hành vi vi phạm pháp luật. Do bực tức vì bố của mình bị V chửi bới, dùng dao dọa chém nên B không kìm nén được hành vi đã dùng một thanh kiếm tự tạo chém 01 nhát trúng vào vùng lưng và 02 nhát trúng vào vùng bụng của V, hậu quả làm V chết đã thỏa mãn các cấu thành của tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình Sự 2015.

      2.1. Về mặt khách quan của tội phạm.

    B có hành vi dùng kiếm chém V, đây là hành động xâm phạm đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của V dẫn đến hậu quả làm V chết.

     2.2. Về lỗi. 

     Ở đây B có lỗi cố ý trực tiếp. Mặc dù đã được mọi người can ngăn nhưng B liên tiếp có hành vi chém vào lưng và bụng của V là vùng trọng yếu trên cơ thể, có thể gây chết người thể hiện ý chí quyết liệt, muốn tước đoạt mạng sống của V.

     Về chủ thể: B sinh năm 1998 là người đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật, do đó B phải nhận thức được thanh kiếm tự tạo là công cụ có tính sát thương cao, có thể tước đoạt tính mạng người khác nhưng vẫn mang đi gặp A để sẵn sàng sử dụng khi có va chạm là một dạng hành vi thể hiện tính chất côn đồ. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ, tuy nhiên theo tinh thần của Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TANDTC và Kết luận của Chánh án TANDTC  tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1995, khái niệm về “côn đồ” được hiểu như sau: “Côn đồ là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ, hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì duyên cớ nhỏ nhặt”.

        3. Kết luận.

       Như vậy, từ những phân tích trên cho thấy B là người có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật, việc B có hành vi chuẩn bị sẵn một thanh kiếm tự tạo và dùng thanh kiếm này liên tiếp chém vào lưng và bụng của V khi đã được mọi người can ngăn là hành vi có tính chất côn đồ nhằm mục đích xâm hại đến cơ thể của V, xâm hại đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của V dẫn đến hậu quả làm V chết là hành vi phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

 

         Trên đây là nội dung tư vấn, hướng dẫn, giải đáp của Trung tâm đối với  câu hỏi liên quan đến Luật hình sự, nếu còn vướng mắc về nội dung gì, Bạn vui lòng liên hệ theo địa chỉ: TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH SƠN LA, Số 04, Ngõ 02A, Tổ 08, Phường Chiềng Lề, Thành Phố Sơn La, tỉnh Sơn La hoặc số điện thoại đường dây nóng: (0212) 3855 959 để được trợ giúp pháp lý. Trân trọng cảm ơn!


Tác giả: Trần Tuấn Anh - Trung tâm TGPL Nhà nước
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

SỞ TƯ PHÁP TỈNH SƠN LA
Địa chỉ:Tầng 4,  tòa 6T1 Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 05/GP-TTĐT
Điện thoại: 0212.3851402 - Fax: 0212.3758008

Người chịu trách nhiệm: Trần Thị Minh Hoà - Giám đốc Sở Tư Pháp
Email: sotuphaptinhsonla@gmail.com

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang